Có rất nhiều điều mà bạn sẽ cần phải học hỏi và thích nghi khi chuyển đến một đất nước mới, và chúng có thể sẽ khiến bạn phải thay đổi những thói quen cũ. Ví dụ như việc đổ rác tại Đài Loan và Việt Nam không hề giống nhau. Ở đây, người ta phải phân loại rác và có những quy định khá nghiêm ngặt về việc đổ rác.
1. Phân loại rác
Rác thải tại Đài Loan được phân thành 3 loại chính gồm
•Rác tài nguyên (資源垃圾- Zīyuán lèsè): Chẳng hạn như giấy, nhựa, thủy tinh, sắt, nhôm, pin thải, thiết bị điện tử hoặc các mặt hàng có nhãn hiệu tái chế.
•Rác thực phẩm sống và chín( 廚餘- Chú yú):
- Rác thải thực phẩm chín: thực phẩm nấu chín, thịt và thực phẩm đã qua chế biến.
- Rác thải thực phẩm sống: trái cây và rau quả, cặn và vỏ cứng.
•Rác thông thường (一般垃圾- Yībān lèsè): Ngoại trừ “tài nguyên” và “rác thải thực phẩm”, rác thải thông thường không thể tái chế
2. Xe rác (垃圾車- lèsè chē)
Ở Đài Loan, xe rác có màu vàng rất bắt mắt, và nhân viên cũng mặc đồng phục màu vàng hoặc áo khoác phản quang nên rất dễ nhận ra. Ngoài ra, chính phủ Đài Loan cũng rất sáng tạo khi cài thêm bản nhạc “Thư gửi Elise” của Beethoven cho mỗi xe rác. Cái nhạc này nghe hay lắm, hồi trước mình còn tưởng là tiếng xe bán kem. Tiếng nhạc này cũng như cái “chuông báo thức” để nhắc nhở mình giờ giấc đổ rác vậy.
Ngoài xe đổ rác ra, vào các ngày cố định sẽ có xe phân loại đồ tái chế đi cùng. Cách nhận biết là xe này thường có màu trắng và đi ngay sau xe đổ rác màu vàng.
Nếu bạn lỡ mất chiếc xe này thì đừng lo, ở mỗi khu dân cư thường sẽ có các bà cụ, cô/chú chuyên đi thu gom rác tái chế, cũng giống như mấy cô buôn “phế liệu, đồng nát” ở Việt Nam mình ấy, chỉ khác là mình đưa cho họ miễn phí chứ không có bán lấy tiền như ở Việt Nam.
Đọc thêm series chuỗi các bài hướng dẫn:
Hướng dẫn cách đăng ký thi TOCFL Online tại Đài Loan
Hướng dẫn đăng ký YouBike chi tiết từ Tôi ở Đài Loan
Hướng dẫn đăng ký và ôn thi bằng lái xe máy siêu chi tiết từ Tôi ở Đài Loan
Hướng dẫn kiểm tra vi phạm giao thông tại Đài Loan
3. Câu chuyện đổ rác
Mỗi khu dân cư sẽ có khung giờ thu gom rác riêng tại một địa điểm cố định. Để tiện theo dõi lịch trình xe rác, bạn có thể hỏi chủ thuê nhà, hàng xóm, chú bảo vệ, hoặc tìm trên các website của chính phủ. Có cả ứng dụng trên điện thoại di động để báo giờ đổ rác. Chúng mình sẽ làm 1 bài viết riêng về các ứng dụng này, hãy theo dõi bài viết tiếp theo của chúng mình nhé!
Một điều khá nhân văn là ở Đài Loan, những gia đình neo đơn, người già, người bệnh, sẽ có các tình nguyện viên đến giúp chuyển rác.
Đến tối, Mọi người sẽ tập trung tại điểm tập kết chờ… giờ G. Trên khắp Đài Loan, giai điệu cổ điển “Thư gửi Elise” sẽ ngân vang để kêu gọi mọi người hành động: Hãy cùng xuống đường đi đổ rác và trò chuyện với nhau!
4. Lưu ý
- Những thứ rác kích cỡ lớn như bàn ghế tủ giường hỏng,cũ; … thì phải báo cơ quan môi trường hoặc các công ty được chỉ định đến xử lý.
- Đừng lén vứt rác sinh hoạt hay những đồ kích cỡ to ở những nơi không được phép. Theo Đạo luật xử lý chất thải (廢棄物清理法), các hành vi gây ô nhiễm như vứt túi rác, tàn thuốc lá và quảng cáo bất hợp pháp có thể bị phạt lên đến 6.000 Đài tệ ( hơn 4tr VND).
VIDEO CHI TIẾT
Bài viết do Xin chào, Tôi ở Đài Loan thực hiện, có tham khảo từ The New York Times và New Taipei City Government