Trang chủ Bạn nên đọc Lá trầu, trái cau ở Đài Loan và câu chuyện về ngành dịch vụ “Tây thi bán trầu”

Lá trầu, trái cau ở Đài Loan và câu chuyện về ngành dịch vụ “Tây thi bán trầu”

bởi Tôi ở Đài Loan

Nếu đến Đài Loan, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi ở quốc đảo phát triển này người dân vẫn giữ thói quen ăn trầu. Việc tìm cửa hàng bán trầu cau cũng dễ ngang ngửa việc bạn đi tìm một cửa hàng tiện lợi vậy đó. Có thể nói, kinh doanh trầu cau đã trở thành một ngành kiếm được tiền cho nhiều người, từ chủ vườn trồng đến người bán hàng và cả lợi ích cho cả khách hàng mua.

Ăn trầu cau được ví như nhai kẹo cao su. Một miếng trầu có thể gây hưng phấn ngang với nhiều ly espresso. Người Đài Loan được coi là những người buôn bán và ăn trầu cau nổi tiếng thế giới, họ sành ăn và có nhiều kiểu têm trầu độc đáo. Số liệu vào năm 2007 cho thấy có đến khoảng 20% dân số nhai trầu, ngành trầu cau và chuỗi cung ứng của ngành này tiêu thụ đến 3 tỷ USD vào thời điểm đó. Hàng năm họ nhập khẩu rất nhiều cau từ Sumatra, Malacca, Thái Lan và cả Việt Nam. Có khoảng hơn 70,000 hộ gia đình sống nhờ vào việc trồng cau và trầu cho chuỗi cung ứng này. Có thời điểm, trái cau trở thành ngành nông nghiệp lớn thứ hai Đài Loan sau lúa nước.

Đến thời điểm hiện tại, dù không còn được phát triển như trước và có nhiều cảnh báo liên quan đến sức khỏe và mỹ quan đô thị nhưng vẫn còn nhiều người Đài nhai trầu như một thói quen để chống mệt mỏi, tăng sức tập trung. Người ăn trầu phần lớn tập trung vào nam giới, bao gồm cả những người trẻ tuổi, các tài xế lái xe đường dài. Vùng nông thôn ở Đài Loan vẫn là nơi có nhiều người ăn trầu cau hơn cả.

Một người Đàn ông ăn trầu ở Đài Loan (Ảnh Internet)

Tục ăn trầu có từ khi nào?

Tục ăn trầu cau là một nét văn hóa phổ biến ở nhiều quốc gia. Tổ chức y tế thế giới thống kê có tới hơn 10% dân số toàn cầu hiện vẫn còn ăn trầu. Nhai trầu đã xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa của nhiều nước. Ở Ấn Độ, từ thế kỉ thứ 6 đã có những ghi chép về lợi ích của việc ăn trầu trên sách vở; nhiều dân tộc khác ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia cũng có những ghi chép tương tự.

Ở Đài Loan, có nhiều sự tích được lưu truyền để nói về tục ăn trầu và chủ yếu phổ biến trong những phạm vi nhỏ hẹp là các bộ tộc vùng núi cao phía đông hay phía nam hòn đảo. Một trong số đó là câu chuyện tình yêu hóa thành trầu cau của một dân tộc sống ở khu vực phía Nam Đài Loan. Câu chuyện xuất phát ở Hằng Xuân, một trấn nhỏ ở Bình Đông. Rằng thuở xa xưa có hai anh em cùng đem lòng yêu một cô gái. Để nhường tình cảm cho em mình, người anh quyết định ra đi nhưng không may rơi xuống vực mà chết. Người em thấy vậy cũng đau lòng gieo mình xuống suối gần đó. Chỗ hai người ra đi mọc lên hai cây cau dựa vào nhau. Cô gái, đau đớt vì mất đi cả hai người yêu thương nên cũng quyên mình. Về sau, từ dưới góc cau mọc lên dây trầu quấn lấy thân cây.

Từ đó, người ta ăn trầu vì trầu cau là vật phẩm gắn kết con người. Nói chung, không ai biết rõ, tục ăn trầu cau chính xác có từ khi nào, chỉ biết nó đã tồn tại hàng bao nhiêu thế kỷ ở Đài Loan và trở thành một thói quen của nhiều người.

Nàng Tây thi bán trầu

Có lẽ, nhiều người Việt biết đến Đài Loan qua câu chuyện về các nàng “Tây thi” bán trầu được lan truyền trên báo chí. Các cô gái bán trầu mặc bikini bó sát cơ thể, đứng trong các tủ kính mời chào khách mua trầu cau. Các điểm bán trầu thường dễ dàng được tìm thấy trên các con đường nối vào các tuyến đường cao tốc hay các tuyến đường cho xe chạy đường dài để phục vụ cánh tài xế.

Các cô gái bán trầu những năm 2007 (Ảnh từ Internet)

Vì người ăn trầu phần lớn là nam giới, người ta đã nghĩ ra cách dùng hình ảnh các cô gái xinh đẹp để thu hút các thượng khách đến mua hàng. Có một điều chắc chắn, họ chỉ đứng têm trầu và bán trầu mà không phải “bán hoa” như nhiều người đồn đoán. Để tránh việc các cô gái bị xàm sỡ hay giữ ấm trong thời tiết mùa đông, người ta lắp thêm tủ kính. Vừa là để chống lạnh, vừa là để nhìn lạ mắt hơn.

Trào lưu của những nàng Tây Thi trầu cau xuất hiện vào những năm 1960 và thịnh hành nhất vào những năm 1990. Ngày nay, bốt bán trầu mọc trên khắp các phố lớn tại Đài Bắc, chủ yếu phục vụ tài xế, công nhân và thu hút khách du lịch. Như đã đề cập, những cô gái chỉ bán trầu, thuốc lá và nước giải khát, họ nói không với các dịch vụ mại dâm. Theo một cuộc điều tra, người ta nói rằng, nhiều cô gái lựa chọn việc bán trầu vì thu nhập của ngành này đem lại cao hơn so với việc ngồi văn phòng. Hàng tháng, một người bán trầu có thể kiếm về 40.000 Đài tệ, cao hơn mức thu nhập tối thiểu của Đài Loan là 23.800 Đài tệ (vào năm 2020).

Những ảnh hưởng đến sức khỏe và nỗ lực bài trừ tục ăn trầu

Không thể phủ nhận những tác dụng tức thì mà việc ăn trầu đem lại cho người dùng nó. Nhưng về lâu dài, việc nhai trầu kèm theo không ít hệ lụy cho sức khỏe.

Các tài xế nói rằng, họ có thể làm việc nhiều giờ liền nhờ vào việc ăn trầu. Những người bán hàng nói rằng nhai trầu có thể đem đến cảm giác tê tê ở sống lưng, cảm giác lâng lâng khó tả, một số còn nhắc đến tác dụng giải rượu trong nháy mắt. Trầu ở Đài Loan có nhiều vị khác nhau khi kết hợp với những thứ khác như thuốc lá, chanh hay gia vị… Ngọt và cay có lẽ là hai vị phổ biến nhất. Vào mùa đông, các công nhân làm việc ngoài trời thường thích ăn trầu để làm ấm cơ thể và giúp tỉnh táo hơn.

Tuy nhiên, trầu ăn với cau là một chất có thể gây nghiện và có nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Nó thậm chí được dùng nhiều thứ tư chỉ sau thuốc lá, rượu và đồ uống có caffein. Dù nhiều người bán cho rằng, nếu ăn lá trầu không mới có hại nhưng vì ăn với cau là một loại quả có lợi nên có tác dụng bù trừ, thậm chí tốt cho sức khỏe. Dù vậy, Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho rằng việc ăn trầu có thể gây ung thư. Hóa chất chính là từ lá trầu làm tăng tỷ lệ ung thư miệng rất cao.

Theo thống kê của Cơ quan Y tế và Sức khỏe Đài Loan năm 2012, mỗi năm có hơn 5.700 người dân Đài Loan được chẩn đoán ung thư miệng với 90% trong số đó có thói quen nhai trầu. Do vậy, chính quyền trung ương và địa phương ở Đài Loan đã có nhiều biện pháp để giảm tỷ lệ người ăn trầu. Từ năm 2014, chính quyền thành phố Đài Bắc bắt đầu tổ chức các lớp cai nghiện trầu để giúp nhiều người bỏ thói quen này, nếu vắng mặt sẽ bị phạt 5.000 – 300.000 Tân Đài tệ (khoảng 165 – 9.900 USD).

Theo Đạo luật xử lý chất thải Đài Loan cũng quy định những người nhổ nước trầu có thể bị phạt 1.200 – 6.000 Tân Đài tệ (khoảng 40 cho tới gần 200 USD) và tham gia lớp cai nghiện. Từ năm 2007 tới 2013, tỷ lệ đàn ông Đài Loan trưởng thành nhai trầu giảm 45% xuống còn 950.000 người trên tổng số 24 triệu dân, theo Bộ Y tế Đài Loan.

Những cô gái Tây thi bán trầu dù bị nhiều người nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm của xã hội. Nhiều người trong số họ cũng mong muốn nhận được sự cảm thông hơn của mọi người. Năm 2007, Thành phố Đào Viên quy định trang phục của các cô gái bán trầu cau phải ăn mặc kín đáo hơn, không được phép để hở ngực, bụng và vòng ba.

Có thể nói, với sự bám rễ lâu dài và đi sâu vào trong văn hóa, tục ăn trầu và những nàng Tây thi bán trầu rất khó để có thể xóa bỏ hay thay đổi ngay. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận rằng đây cũng là một điểm đặc biệt để người ta nhắc đến Đài Loan.

Hy vọng, bài viết đã giúp các bạn hiểu thêm về văn hóa ăn trầu ở Đài Loan. Bài viết do Tôi ở Đài Loan thực hiện với sự tham khảo của nhiều nguồn khác nhau.

—-
Mọi tham khảo hoặc trích dẫn và chia sẻ và các vấn đề khác liên quan đến bản quyền, vui lòng liên hệ xinchao@toiodailoan.com

0 bình luận
0

Có thể bạn bỏ lỡ

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Dữ liệu của bạn là an toàn và bảo mật. Chọn "Chấp nhận" để tiếp tục Chấp nhận Tìm hiểu thêm

error: Nội dung bài viết được bảo vệ. Vui lòng liên hệ xinchao@toiodailoan.com để biết thêm chi tiết. Cảm ơn bạn