Trang chủ Bạn nên đọc Bước đi đúng đắn làm nên thành công cho ngành công nghệ bán dẫn tỷ đô ở Đài Loan

Bước đi đúng đắn làm nên thành công cho ngành công nghệ bán dẫn tỷ đô ở Đài Loan

bởi Tôi ở Đài Loan

Nhắc đến Đài Loan, không thể không nhắc đến những thành tựu mà các công ty Đài Loan đã đạt được trong lĩnh vực vi mạch, chip bán dẫn. Không phải ngẫu nhiên mà họ có được những thành công, khẳng định và minh chứng tên tuổi của mình trong ngành công nghiệp tỷ đô này. Những ông lớn như TSMC, UMC, Hồng Hải (Foxconn) là nhà gia công, hay MediaTek là nhà thiết kế chip là một trong những cái tên nổi trội trong số rất nhiều thương hiệu sản xuất, gia công linh kiện bán dẫn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

ITRI – Bộ não hữu hình của Đài Loan

Sự thành công ở hiện tại của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan có sự đóng góp không nhỏ của Viện nghiên cứu Công nghệ và Công nghiệp của Đài Loan (ITRI). Kể từ khi thành lập vào năm 1973, tổ chức này đã tạo ra 200 công ty đổi mới sáng tạo, trong đó có những cái tên danh giá như TSMC và UMC [1].

Vào đầu những năm 1970, chính phủ và các chuyên gia đều cho rằng Đài Loan nên hướng tới ngành công nghiệp công nghệ cao để duy trì phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo tình trạng lúc bấy giờ, không có một ngành đơn lẻ nào nhìn thấy tiềm năng để đạt được công nghệ cao trong một thập kỷ. Các chuyên gia được tập hợp để lựa chọn một định hướng phát triển và ngành công nghiệp điện tử chính thức được lựa chọn. Mọi người kỳ vọng nó sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành công nghiệp khác. Chiến lược phát triển chính là tập trung chính vào việc sản xuất và thiết kế vi mạch (IC) [1].

Năm 1976, Đài Loan ứng dựng công nghệ CMOS – công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ để sản xuất các loại mạch tích hợp do hãng RCA của Mỹ giới thiệu. Việc lựa chọn RCA của Mỹ được xem xét từ hơn ba mươi nhà sản xuất bán dẫn nổi tiếng của Hoa Kỳ. Thời điểm đó, Đài Loan không có nền tảng về công nghệ IC nên họ hy vọng toàn bộ chuỗi công nghệ có thể được giới thiệu, và nhân viên được đào tạo đến trình độ cho phép công nghệ có thể phát triển và đáp ứng được môi trường nội địa. Và chỉ có RCA là đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Đài Loan đặt ra, dù chi phí của dự án này không hề rẻ.

Cuối năm 1977, ITRI đã thành lập xưởng chế tạo phiến bán dẫn (wafer) đầu tiên của Đài Loan và cuối năm đó đã sản xuất thành công vi mạch CMOS, đặt nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở quốc đảo. Năm 1979, ITRI đã phát triển được chip vi mạch thương mại đầu tiên của mình. Nhờ đó, nước này triển khai quy trình sản xuất bán dẫn. Có một vấn đề, thời điểm thương mại hóa, các doanh nghiệp tư nhân còn ngần ngại về việc sản xuất ở quy mô công nghiệp. ITRI thành lập “Công ty Liên hiệp vi điện tử” (UMC), là công ty bán dẫn đầu tiên của Đài Loan. Đây là một mô hình spin-off (nghiên cứu công nghệ và chuyển giao thương mại nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát). Doanh thu năm 1982 của UMC là 1,5 tỷ đồng Đài Loan và lợi nhuận doanh nghiệp xếp thứ nhất Đài Loan.

Tuy vậy, các bảng mạch được Đài Loan giới thiệu đều là vi mạch cỡ nhỏ, thị trường còn nhiều hạn chế. Trong khi, xu hướng quốc tế lại tập trung vào các vi mạch cực lớn (VLSI), có tốc độ xử lý và nhiều chức năng hơn. Nhiều khách hàng của UMC chuyển qua các đối tác tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Chính phủ Đài Loan lúc bấy giờ mới nhận ra mình chậm chân trong việc đưa ra kế hoạch phát triển vi mạch tích hợp cực lớn để rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển, thoát khỏi lạc hậu về xu hướng công nghệ, quy mô sản xuất. Đây chính là tiền đề để ITRI cho ra đời TSMC vững mạnh đến ngày nay từ  “kế hoạch một tỉ đô la” của Đài Loan. Việc xây dựng mô hình sản xuất linh hoạt nhiều loại vi mạch đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài TSMC, ITRI còn thành lập ra hàng loạt các công ty công nghệ khác, sản xuất đa dạng các linh kiện bán dẫn, nâng cao tỷ lệ nội đia. Kết quả của cả một quá trình dài chính là nguồn vốn đầu tư dồi dào cho UMC, TSMC, TMC, VIS sau này. Cuối cùng ngành công nghiệp sản xuất vi mạch tích hợp của Đài Loan đã đạt được khoảng 80% thị phần toàn cầu năm 2003 và trở thành số 1 thế giới. TSMC hiện chiếm đến xấp xỉ 50% thị phần gia công chip.

Câu chuyện của ITRI không chỉ cho thấy vai trò của các nhà khoa học trong thúc đẩy công nghiệp hóa của một quốc gia mà còn cả của một chính phủ dám mạo hiểm và đặt niềm tin vào họ. ITRI được ví như bộ não sống, hữu hình đưa bước chân ngành bán dẫn của Đài Loan vươn mình đến thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho Đài Loan.

Vị thế của TSMC

Nói đến sự thành công của thị trường chip bán dẫn ở Đài Loan, ngoài ITRI, không thể quên cái tên TSMC và ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) người đứng đầu của tập đoàn này. Tập đoàn này có đóng góp to với cho sự phát triển và thành tựu đạt được của ngành gia công vi mạch. “Với những người Đài Loan, Trương không chỉ là một kỹ sư và doanh nhân thành công. Ông đã góp phần đưa Đài Loan lên bản đồ công nghệ toàn cầu”, báo EE Times viết năm 2000.

Mẫu chốt thành công của TSMC chính là mô hình của họ. TSMC chọn trở thành công ty gia công cho mọi đối tác đã có thiết kế chip, cách hoạt động khác xa những công ty chip truyền thống như Intel. Khi thành lập, “lúc đó, chẳng ai nghĩ chúng tôi sẽ làm được gì”. Chính sự nghi ngờ giúp cho TSMC hoạt động thoải mái mà không bị cạnh tranh gì trong suốt 8 năm, cho tới khi họ mở nhà máy bán dẫn đầu tiên tại Mỹ. Năm 2017, lần đầu tiên giá trị vốn hóa của TSMC vượt Intel. TSMC chọn trở thành công ty gia công cho mọi đối tác đã có thiết kế chip, cách hoạt động khác xa những công ty chip truyền thống. Thay vì cạnh tranh với khách hàng, TSMC trở thành bạn và không phải thay đổi cách hoạt động mặc thị trường công nghệ biến động như thế nào. [2]

Với lợi thế là nhà gia công chip, TSMC không hề giới hạn khách hàng của mình. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TSMC vài năm qua, không phải ngẫu nhiên, cũng trùng khớp với sự tiến bộ về công nghệ xử lý trên smartphone. Apple đã từ bỏ hẳn Samsung để chuyển đến 70% lượng chip 7nm cho TSMC sản xuất. Cam kết về chất lượng, lợi thế kinh nghiệm sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chính là những đòn bẩy quan trọng giúp TSMC giữ chân được khách hàng. Đó không chỉ là những tên tuổi như Apple, Qualcomm mà có cả AMD lẫn Intel, hai công ty đứng đầu về vi xử lý cho máy tính. 

Để nói về công nghệ bán dẫn và sự thành công của Đài Loan chắc chắn còn rất nhiều điều phải nói bên cạnh những cái tên như ITRI, TSMC. Ví dụ như sự đóng góp trí tuệ của rất nhiều kỹ sư tài năng đã cống hiến rất nhiều trong nhiều năm qua, những nước đi mạo hiểm và đầy tham vọng của chính phủ. Tuy nhiên, trong lượng chữ của bài viết hi vọng các bạn có cái nhìn khái quát hơn về chiến lược của Đài Loan về phát triển công nghệ, ngành mà Đài Loan đã lựa chọn cho định hướng của mình. Mong rằng, Đài Loan có thể giữ vững được vị thế này và nhiều quốc gia với ngành công nghệ còn nhiều non trẻ như Việt Nam có thể học hỏi.

Bài viết do Tôi ở Đài Loan thực hiện dưới sự tham khảo từ các nguồn tài liệu sau đây:

[1] Đài Loan: Từ gia công đến nhà sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới – Tác giả Jiang-Chung Yuan, Ta-Hsien Lo, Chiung-Wen Hsu do Nguyễn Thu Oanh dịch đăng trên tạp chí Khoa học và Phát triển tại: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/han-man-o-dbscl-thich-ung-voi-mot-tuong-lai-nhieu-rui-ro/2020052110341237p1c785.ht
[2] TSMC – Công ty này bị kiện, cả thế giới công nghệ sợ hãi – Tác giả Anh Lê đăng trên Zing tại https://zingnews.vn/cong-ty-chip-dai-loan-bi-kien-ca-gioi-cong-nghe-so-hai-post984104.html

0 bình luận
0

Có thể bạn bỏ lỡ

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Dữ liệu của bạn là an toàn và bảo mật. Chọn "Chấp nhận" để tiếp tục Chấp nhận Tìm hiểu thêm

error: Nội dung bài viết được bảo vệ. Vui lòng liên hệ xinchao@toiodailoan.com để biết thêm chi tiết. Cảm ơn bạn