Trang chủ Bạn nên đọc Du học hệ ngôn ngữ ở Đài Loan cần chuẩn bị những gì?

Du học hệ ngôn ngữ ở Đài Loan cần chuẩn bị những gì?

bởi Tôi ở Đài Loan

(Bài viết do bạn Tú Nguyễn thực hiện được Tôi ở Đài Loan biên tập và đăng tải. Cảm ơn bạn Tú Nguyễn vì một bài viết rất chi tiết và hữu ích cho các bạn khác)

Sau gần 2 năm thì bộ giáo dục Đài Loan đã mở lại hệ ngôn ngữ cho sinh viên quốc tế. Vậy du học hệ ngôn ngữ bạn cần chuẩn bị những gì? Và có những lưu ý mà bạn có thể chưa biết? Cùng xem chi tiết bên dưới bài viết nhé!

Tú Nguyễn

Hệ ngôn ngữ là gì?

Hệ ngôn ngữ là hệ du học được các trung tâm ngôn ngữ tiếng Trung của một số trường đại học Đài Loan mở ra. Hệ ngôn ngữ có thời gian tối đa học là 2 năm và một năm sẽ có 4 kỳ học là Xuân – Hạ – Thu – Đông. Thời gian lên lớp của hệ ngôn ngữ thường sẽ là 3 tiếng một buổi, 1 tuần học từ thứ 2 tới thứ 6. Mỗi kỳ học sẽ kéo dài từ 2,5 tháng tới 3 tháng.

Chọn trường cho hệ ngôn ngữ.

Ở Đài Loan có khá nhiều trung tâm ngôn ngữ được mở ra ví dụ như:
Phía Bắc: Đại học Quốc Lập Đài Loan, Đại học Sư Phạm Đài Loan, …
Phía Nam: Đại học Trung Sơn, Đại học ngoại ngữ WenZao, Đại học quốc lập Thành Công.
Ngoài ra còn có rất nhiều trung tâm khác, các bạn có thể tham khảo ở đường link dưới đây: https://www.roc-taiwan.org/uploads/sites/100/2017/01/A_list_of_Chinese_Language_Center.pdf
Về học phí ở mỗi trung tâm sẽ không giống nhau nhưng đa phần sẽ dao động từ 26.000 Đài tệ – 28.0000 Đài tệ (phụ thuộc vào độ nổi tiếng cũng như chất lượng của từng trường)

Chuẩn bị hồ sơ sẽ gồm những gì?

1. Hộ chiếu
2. Bảng điểm, bằng tốt nghiệp
Bạn cần phải đi dịch thuật (nếu bằng tốt nghiệp và bảng điểm của bạn không phải song ngữ) sau đó bạn mang đi công chứng.
Công chứng hoàn tất thì bạn mang đi hợp pháp lãnh sự tại cục lãnh sự. Trước khi tới cục lãnh sự bạn cần điền một tờ khai thông tin online trên hệ thống để sau khi tới cục lãnh sự bạn chỉ cần in ra và bốc số.
Lưu ý: Thông thường hệ ngôn ngữ bạn sẽ không cần phải lấy mộc xanh của văn phòng Đài Bắc như hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.Nhưng trong trường hợp bạn dự định học hệ ngôn ngữ xong và sau đó sẽ học lên tiếp thì mình khuyên tới bước này bạn sẽ xin dấu mộc xanh. Để mai sau, khi bạn có apply lên hệ đại học, thạc sĩ cũng sẽ thuận lợi hơn.

Ảnh: Hợp pháp hoá lãnh sự (Ảnh: Tú Nguyễn)
Ảnh: Dấu mộc xanh – văn phòng kinh tế, văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội ((Ảnh: Tú Nguyễn))

3. Chứng chỉ ngoại ngữ: TOCFL A1 hoặc TOEIC
4. Chứng minh tài chính
5. Kế hoạch học tập (có thể dùng tiếng Anh hoặc tiếng Trung đều được).

Bên trên là những giấy tờ cơ bản mà bạn cần phải chuẩn bị để apply cho hệ ngôn ngữ cũng như khi bạn xin visa. Khi xin visa bạn chỉ cần bổ sung thêm giấy báo nhập học từ phía trung tâm ngôn ngữ.

Chia sẻ một vài kinh nghiệm của bản thân về hệ ngôn ngữ.

Mình cũng đã có thời gian học hệ ngôn ngữ trong 1 năm tại trường đại học ngoại ngữ WenZao Cao Hùng thì mình có một vài kinh nghiệm như sau:

1. Chọn trung tâm ngôn ngữ

Các bạn nên tìm hiểu kỹ về trung tâm ngôn ngữ mình chọn vì môi trường học khá quan trọng. Hệ ngôn ngữ có một ưu điểm là ở mỗi trung tâm đều có những chương trình sinh hoạt ngoại khoá khác nhau, những lớp văn hoá ngoài giờ học. Nên khi bạn chọn được trung tâm ngôn ngữ có môi trường tốt thì bạn sẽ càng có nhiều trải nghiệm khác nhau hơn, không chỉ là ngôn ngữ mà còn về văn hoá bản địa.

Ảnh: Hoạt động văn hoá (Ảnh: Tú Nguyễn)

2. Chi phí sinh hoạt ở Đài Loan đối với sinh viên hệ ngôn ngữ

Vì hệ ngôn ngữ sau khi bạn ở Đài Loan 1 năm bạn mới có thể đi làm để trang trải sinh hoạt phí nên bạn cần cân nhắc kỹ về khả năng tài chính của gia đình mình. Ví dụ như mình ở Cao Hùng thì sinh hoạt phí cũng không chênh quá nhiều so với ở Hà Nội, nhưng nếu ở Đài Bắc thì sẽ có sự chênh lệch khá rõ rệt. Tuỳ vào nhu cầu của mỗi người thì sẽ chi tiêu với số tiền khác nhau. Ngày trước mình ở Cao Hùng trung bình 1 tháng mình sẽ tiêu trong khoảng 6.000 Đài tệ. Tiền thuê nhà khoảng 3.500-5.000 tuỳ vị trí bạn thuê. Ngoài ra, hiện nay để được xin đi hệ ngôn ngữ bạn phải đăng ký ít nhất là 2 khoá tương đương với 6 tháng thì phía văn phòng kinh tế, văn hoá Đài Bắc mới cấp cho bạn visa nên về tiền học các bạn cũng cần lưu ý. Do vậy. khi chọn trung tâm ngôn ngữ thì bạn cũng nên xem cả thành phố đó chi phí sinh hoạt như thế nào. Liệu có phù hợp với tài chính của bạn hay không.

3. Khi du học hệ ngôn ngữ sau khoảng 4 tháng bạn mới có thể đi đổi visa từ visitor sang resident và sau đó mới có thẻ cư trú (ARC)

Đây là điều mà có thể các bạn sẽ biết nhưng mình có một lưu ý nhỏ đó chính là chứng minh tài chính

Chứng minh tài chính tại Bộ Ngoại Giao Đài Loan khi đổi visa họ hỏi khá là gắt không có dễ như ở Việt Nam khi bạn phỏng vấn visa nên mình có một lời khuyên là: “Khi các bạn đổi tiền ở Việt Nam từ Việt Nam Đồng sang USD hay Đài tệ thì nên có tờ giấy chuyển ngoại tệ (tiếng Anh hay Trung đều ok) thì là tốt nhất”.

Vì sao mình lại lưu ý về vấn đề này. Trước đây khi mình đang chuẩn bị làm hồ sơ chuyển visa để làm thẻ cư trú có khá nhiều bạn bị trả lại visa và không được đổi visa mà phải về nước dù hồ sơ của các bạn ý khá đầy đủ. Và khi mình xem bình luận thì hầu như đều nói về phần chứng minh tài chính. Nên các bạn hết sức chú ý nhé!

Tú Nguyễn

Thông tin tác giả:

Tên: Tú Nguyễn
Nơi sinh sống: Nam Đầu
Link bài viết chính chủ: https://bit.ly/3vs51Ys

Tác giả bài viết (Ảnh: Tú Nguyễn)

Bài đăng thuộc sở hữu của bạn Tú Nguyễn do Xin chào, Tôi ở Đài Loan đăng tải lại.

0 bình luận
1

Có thể bạn bỏ lỡ

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Dữ liệu của bạn là an toàn và bảo mật. Chọn "Chấp nhận" để tiếp tục Chấp nhận Tìm hiểu thêm

error: Nội dung bài viết được bảo vệ. Vui lòng liên hệ xinchao@toiodailoan.com để biết thêm chi tiết. Cảm ơn bạn