Câu trả lời là không khó nếu bạn có sự chuẩn bị. Các học bổng Đài Loan kể cả chính phủ hay của trường và của doanh nghiệp họ đều có các tiêu chuẩn cơ bản để xét chọn. Vậy điều đầu tiên để bạn được lựa chọn là bạn cần đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản nhất để hồ sơ của bạn được đặt lên bàn cân nhắc học bổng của hội đồng tuyển sinh, còn việc được hay không thì mình bàn sau.
Xem thêm:
– Website tìm hiểu thông tin các trường tại Đài Loan
– Ứng dụng chuyển tiền về Đài Loan về Việt Nam mà sinh viên có thể sử dụng.
– Kinh nghiệm nhập cảnh sân bay Đào Viên ngay giữa mùa dịch.
– Các trường hợp nào được cách ly tại nhà.
Đợt nộp hồ sơ để nhập học cho kỳ tới đã qua rồi nên các bạn cần nghiên cứu để mình nộp cho kỳ sau đó. Vậy nên bạn cần chuẩn bị những thứ cơ bản nhất.
- Ngoại ngữ: nhiều bạn thường bỏ qua bước này cuối cùng hoặc sau nhiều bước mới lo đến bước này. Tuy nhiên, để đến một đất nước mới thì việc giỏi ngoại ngữ của nước sở tại hoặc tiếng Anh là điều cần thiết. Việc học ngoại ngữ cũng không phải thức giấc sau một đêm là nói được như sáo. Nó cần có sự chuẩn bị. Do vậy, bạn cần chuẩn bị để đạt được yêu cầu điểm ngoại ngữ tối thiểu để nhập học. Nếu chưa đủ, thì lo luyện ngày luyện đêm để đi thi. Và nhớ, canh ngày thi, đừng để gần ngày nộp hồ sơ mới thi vì lỡ kỳ thi bị hủy, bạn bị ốm mà 3-6 tháng mới tổ chức một lần thì bạn lại phải chờ thêm 6 tháng nữa. Còn nếu đã đáp ứng tối thiểu rồi thì ráng cải thiện thêm để tăng cơ hội cạnh tranh. Bạn có thể bỏ qua nước này nếu bạn thực sự đã đạt điểm cao IELTS 7.0 hay TOCFL 4-5 chẳng hạn.
- Điểm học trên trường: Cái này thì chỉ dành cho bạn nào đang học cấp 3 hoặc đại học muốn cải tăng cơ hội cạnh tranh thì tranh thủ cải thiện điểm trên trường. Điểm cao cũng khó nói điều gì nhưng ít nhất người ta có bằng chứng bằng mắt, con số chứng minh cho năng lực của bạn.
- Kinh nghiệm làm việc: Cái này ưu tiên cho các bạn nộp thạc sỹ và tiến sỹ. Kinh nghiệm làm việc sẽ rất có lợi cho định hướng nghiên cứu và việc tiếp thu kiến thức nâng cao sau đại học. Vậy nên việc có kinh nghiệm làm việc cũng sẽ là điểm sáng cho hồ sơ của bạn.
- Thư giới thiệu bản thân: Đầu tư một lá thư giới thiệu về bản thân, lí do bạn nộp hồ sơ, vì sao người ta chọn bạn, học xong bạn làm gì, định hướng nghiên cứu của bạn. Đây đều là những thứ cần thiết. Nghĩ cái khung sườn cơ bản rồi sáng tạo theo ý bạn. Dành thời gian và đầu tư cho thư giới thiệu vì người ta chắc chắn sẽ đọc nó để hiểu bạn nên nếu bạn có một câu chuyện độc nhất thì cơ hội học bổng của bạn sẽ cao.
- Thư giới thiệu từ người khác: Đừng đợi tới lúc bạn còn 3 hay 5 ngày nữa nộp hồ sơ rồi cuống cuồn đi tìm người viết thư giới thiệu. Việc chuẩn bị trước luôn là cần thiết, người ta cũng cần thời gian để nghĩ. Bạn có thể viết nháp trước, gửi người ta xem bạn muốn người ta nhận xét về bạn như thế nào rồi người ta sửa theo đó. Nên chuẩn bị hai thư: một là từ giảng viên hoặc trưởng khoa của bạn (nhận xét về học thuật) và một là từ sếp của bạn, đồng nghiệp (nhận xét về thể hiện trong công việc, sự hòa đồng, hòa nhập). Nếu bạn chưa có việc làm thì có thể lấy thư của Bí thư Đoàn trường, chủ tịch hội sinh viên hoặc một chương trình xã hội mà bạn đã tham gia.
- Các giấy tờ cần công chứng, dịch thuật: Bạn cần kiểm tra giấy tờ nào đã có song ngữ, giấy tờ nào chưa có để đi dịch thuật. Dịch xong còn phải đi hợp thức hóa lãnh sự nữa. Nó không khó nhưng kiểu đi lại loằng ngoằng và chờ đợi nên là cứ chuẩn bị trước.
- Đề tài bạn định viết: nghe khá mơ hồ nhưng cái này nộp sau đại học chắc sẽ có trường yêu cầu. Nên dành thời gian nghĩ về đề tài mình thích nhưng có cũng cần có sự tương quan với cái thư giới thiệu bản thân nha. Đừng kiểu, tôi là người yêu thích công nghệ, nhưng đề tài của tôi là về nghiên cứu văn hóa Trung Hoa :))
- Sức khỏe: Nhiều bạn bỏ qua yếu tố này, đâu có biết rằng qua đây ngày nào cũng đi làm DJ chà dĩa trong mấy cái bếp :)) Đùa vua thôi, bạn đến chỗ lạ, có thể khí hậu không hợp, thay đổi môi trường. Nên là rèn luyện sức khỏe là cần thiết.
- Tiền: Cái này khỏi nói rồi ha, tiền để xử lý hồ sơ, để mua được cái vé máy bay, ít nhất sống được tháng đầu ở bên xứ người chứ.
Đây là 9 chỉ mục mà bản thân mình nghĩ bạn nên có sự chuẩn bị trước, sẽ còn các giấy tờ và một vài thứ khác nhưng mình nghĩ đây là những cơ bản mà bạn nên ưu tiên chuẩn bị trước.
Xong rồi, giờ xét đến các yếu tố, ví dụ bạn thấy điểm học lực của bạn không cao, ngoại ngữ cũng mức tối thiểu. Vậy làm sao để bạn cạnh tranh? Hãy nghĩ đến các yếu tố khác, bạn cần chú trọng đến bài luận về giới thiệu bản thân để người ta thấy được đam mê và quyết tâm của bạn. Ngoài ra cũng cố bằng kinh nghiệm làm việc, bạn không học giỏi nhưng bạn có kinh nghiệm và được sếp khen. Hoặc nếu bạn đang đi học thì bạn có hoạt động ngoại khóa, bạn là trưởng nhóm bảo kê của trường chẳng hạn :)) (cái này đùa thôi). Các ứng viên tiến sĩ thì nếu có báo ra rồi, có bài dự hội thảo thì chắc nịch là bạn có cơ hội đậu học bổng.
Một cái rất quan trọng là biết tự lượng sức mình. Bạn có thể nộp rất nhiều học bổng chính phủ hoặc học bổng của doanh nghiệp nhưng hãy chọn trường phù hợp khả năng. Các học bổng ngoài trường học thì nếu mở tự do bạn cứ nộp thử, biết đâu có cơ hội. Nhưng với học bổng trường thì bạn ít nhất là cần trường nhận. Ví dụ hồ sơ của bạn chỉ phù hợp nộp các trường sau top 5 xếp hạng trường thì nên cân nhắc bỏ qua các trường top 3. Vì sao? bạn nhắm vào rồi có cạnh tranh lại không? :)) Hãy nghĩ đến điều này. Bọn mình sẽ đề cập đến nó trong một bài viết khác. Hãy đảm bảo bạn có cơ hội nhận học bổng trong cả năm thứ 2 và những năm sau đó.
Một yếu tố khác mà mình nghĩ nó không thuộc quyền quyết định của bạn. Đó là may mắn. Kỳ bạn nộp hồ sơ vào cái trường bạn yêu thích nhưng xui làm sao năm đó toàn thí sinh mạnh. Bạn cũng mạnh nhưng bạn là đứa yếu nhất trong cái đám mạnh đó. Họ có chỉ tiêu và bạn bị loại. Hoặc nếu may mắn thì bạn hơi yếu nhưng năm đó không nhiều thí sinh giỏi và bạn đậu vé vớt. Điều đó phụ thuộc vào bạn ăn ở có tốt không =]]]
Tổng kết lại, bài viết này để giúp các bạn định hướng mình cần chuẩn bị gì cho kỳ mở hồ sơ sắp tới. Hãy luôn nhớ, chuẩn bị và lên kế hoạch cụ thể không bao giờ là thừa và may mắn luôn mỉm cười với ai biết cố gắng.
Bài viết do Tôi ở Đài Loan thực hiện