Trang chủ Bạn nên đọc Y tế Đài Loan: Chính trị gia xuất thân ngành y, góc nhìn từ những con số và trải nghiệm khám thai ở Đài Bắc

Y tế Đài Loan: Chính trị gia xuất thân ngành y, góc nhìn từ những con số và trải nghiệm khám thai ở Đài Bắc

bởi Tôi ở Đài Loan

Bài viết dưới góc nhìn và trải nghiệm của chị Thu Hà. Tôi ở Đài Loan xin phép được đăng lại để các bạn có thêm thông tin về dịch vụ y tế ở Đài Loan. Cảm ơn chị Hà đã có một bài viết thật bổ ích. Chúc chị và bé mẹ tròn con vuông <3

1. Chính trị gia xuất thân ngành y

Có lẽ là bắt đầu từ thời Nhật trị, khi chính phủ cầm quyền không cho phép người Đài Loan được chọn đại học ngành chính trị pháp luật, nên rất nhiều học sinh thông minh tài giỏi đã lựa chọn con đường khác nhiều hứa hẹn là ngành Y. Thói quen đó có lẽ phần nào đã ảnh hưởng đến thế hệ kế tiếp sau, khi chính quyền đương đại của Đài Loan cũng có sự góp mặt của rất nhiều chính trị gia xuất sắc xuất thân từ ngành Y.

Thử điểm tên 1 vài chính trị gia siêu nổi tiếng của Đài Loan có xuất phát điểm từ ngành Y nào:

– Đầu tiên phải kể đến là Phó tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức (賴清德): gương mặt luôn sát cánh cùng tổng thống Thái Anh Văn. Lại Thanh Đức xuất thân là bác sĩ nội khoa, tốt nghiệp thạc sĩ khoa Y tế công cộng đại học Harvard. Ông từng nổi tiếng với việc giúp người đột nhiên phát bệnh trên tàu cao tốc, hay việc dừng lại xem xét nạn nhân khi thấy tai nạn xe cộ trên đường. 6 năm cầm quyền Đài Nam của Lại Thanh Đức được đánh giá cao cho các đóng góp về y tế và du lịch của thành phố này. Không những thế, ông còn rất đẹp trai và phong độ ở độ tuổi 61, được so sánh với diễn viên điển trai Osawa Takao của Nhật.

– Thị trưởng thành phố đương nhiệm Đài Bắc, Kha Văn Triết (柯文哲): Gương mặt gây sức nóng với truyền thông không kém gì minh tinh vì những phát ngôn hài hước và ấn tượng. Tốt nghiệp và làm việc nhiều năm ở bệnh viện đại học Đài Loan, bệnh viện top 1 ở Đài Loan. Năm 2014, khi Kha Văn Triết độc lập (không theo bất kì đảng nào) đứng ra tranh cử chức thị trưởng thành phố Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan đã được rất nhiều thanh niên trẻ ngưỡng mộ và ủng hộ. Mọi người đều trông chờ “1 làn gió mới” vì những phát ngôn và hành động thẳng thắn, khảng khái của ông.

Chị Thu Hà chia sẻ:

Chồng mình khi đó đang ở Nhật, bận túi bụi cũng tranh thủ về Đài Loan trong 2 ngày cuối tuần ngắn ngủi chỉ để bỏ 1 tấm phiếu cho Kha Văn Triết. (Đài Loan không cho bỏ phiếu ở nước ngoài, người dân bắt buộc phải đứng xếp hàng từng người bỏ phiếu để đảm bảo tính chính xác). Kha Văn Triết ghi dấu ấn là 1 chính trị gia giản dị, dùng xe bus đi làm, và khả năng tiếp xúc truyền thông cao, phong cách nói chuyện thẳng thắn hài hước.

– Thị trưởng thành phố Gia Nghĩa nhiệm kì 2014-2018, Đồ Tỉnh Triết (涂醒哲) hay phó thủ tướng Trần Kiến Nhân nhiệm kì 2016-2020 (陳建仁), phó thủ tướng đầu tiên xin từ chức vào tháng 5 năm 2020 vì cho rằng việc làm nghiên cứu sẽ giúp ông cống hiến được nhiều hơn cho xã hội.

2. Y tế Đài Loan từ những con số

Cơ sở y tế Đài Loan được đánh giá cao trên thế giới từ cơ sở vật chất đến chất lượng y bác sĩ, chi phí y tế… Trang Numbeo đánh giá Taiwan có chỉ số Health Care Index đứng đầu thế giới năm 2020.

Xem thêm:
Chia sẻ thực tế về Dịch vụ y tế ở Đài Loan
Trải nghiệm nằm viện tại Cao Hùng, Đài Loan

Năm 2019, Đài Loan có 480 bệnh viện, 22.512 phòng khám, 265.772 nhân viên y tế được cấp phép và 168.266 giường bệnh trên toàn quốc (số liệu từ báo cáo của Bộ Vệ sinh phúc lợi). Điều này có nghĩa là:
– Cứ 10.000 người sẽ có 71,29 giường bệnh
– Cứ 10.000 người sẽ có 112,6 người là nhân viên y tế được cấp phép.

3. Trải nghiệm khám thai ở Đài Bắc

Chị Thu Hà chia sẻ, bình thường may mắn, vô cùng ít ốm đau đến mức cần đi viện, nhưng ngày ở Nhật thì chăm giúp các mẹ bầu và em nhỏ Việt Nam không biết tiếng Nhật đi khám, rồi ngành học cũng có 2 năm nghiên cứu liên quan đến vài bệnh viện lớn ở Tokyo, đến hiện tại thì đã có 1 năm ra ra vào vào viện/khoa sản ở Đài Bắc, nên cũng hiểu tí tẹo về bệnh viện. Dưới đây là review của chị về quy trình đi khám thai bên này.

Khu vực đăng ký, đo huyết áp có tình nguyện viên hướng dẫn (Ảnh: Thu Hà)

– Đặt hẹn nhanh chóng đơn giản, thỏa thích chọn bác sĩ mình tin tưởng: bình thường mỗi bệnh viện ngoài trang web đều có APP trên điện thoại. Chỉ cần tải về, chọn bác sĩ và ngày giờ, điền các thông tin cá nhân là bạn đã có thể đặt hẹn ở viện rồi. Mỗi lần mình đặt hẹn mới chỉ tốn chưa đầy 3 phút. Thông tin các bác sĩ và ngày giờ làm việc đều trực quan rõ ràng. Nghe nói bệnh viện được các mẹ muốn đi đẻ nhất là bệnh viện trực thuộc đại học Đài Loan. Đây được coi là bệnh viện tốt nhất của quốc đảo, lại thuộc đại học tốt nhất Đài Loan nên các mẹ hy vọng đẻ con ở đây sẽ thông minh hơn. Cơ mà bản thân mình nghĩ tới viễn cảnh xếp hàng dài dài, và thật nhiều sinh viên thực tập bao quanh (tự tưởng tượng thôi chứ chưa vào đây bao giờ) đã thấy mệt.

Máy báo danh khi đến khám bệnh (Ảnh: Thu Hà)

– Tấm thẻ bảo hiểm y tế đa năng: chỉ cần 1 tấm thẻ y tế là bạn có thể báo danh trước cửa phòng khám (cứ nhét thẻ vào máy trước phòng khám là tự động hệ thống cập nhật bệnh nhân hẹn lịch đã đến), sau đó bạn chỉ việc ngồi chờ cho đến khi bảng thông báo hiện số của mình. Việc trả tiền khám cũng đơn giản thuận lợi khi chỉ cần nhét thẻ vào máy tính tiền là cứ thế 30 giây đã thanh toán xong. Ở bệnh viện tư A, mình còn không cần ghi số đo cân nặng hay huyết áp mà cứ nhét thẻ bảo hiểm vào máy đo là máy tự lưu vào. Còn ở viện công B, máy đo cân nặng hay huyết áp vẫn là dạng cũ, mỗi lần đều giấy bút ghi thôi.

– Tận dụng mọi nguồn tình nguyện: những nơi gần máy trả tiền,máy lấy số thử máu … đều không có nhân viên chính mà chỉ có các bác về hưu làm tình nguyện hướng dẫn. Người già ĐL 60, 70 tuổi vẫn rất khỏe mạnh nên sau khi về hưu nhiều người chọn đi làm tình nguyện ở bệnh viện, bưu điện…

– Thái độ thân thiện : Thái độ y tá bệnh viện công hay tư thì đều thân thiện, dễ chịu. Từ hồi bầu trên 30 tuần, bụng to lù lù là các cô chú ý hơn hẳn. Ngồi dậy cũng phải đi qua đỡ mình, còn anh chồng bên cạnh thì nhìn mình quen rồi nên kệ mình á hihihi.

– Chi phí thấp: chi phí khám viện công vô cùng rẻ. Nếu ở Đài Bắc, Chính phủ sẽ hỗ trợ cho 14 lần khám thai, mỗi lần chỉ tốn khoảng 50 Đài tệ (khoảng 40,000 VND) bao gồm cả xét nghiệm. Nếu số lần khám nhiều hơn thì chi phí các lần còn lại tầm 400-500 Đài tệ (khoảng 300.000 VND). Giá cả viện tư thì khác hẳn, mỗi lần đều tốn từ 1~3tr VND kèm bản kí cam kết là tôi tình nguyện tự trả phí này phí kia mà không dùng đến bảo hiểm y tế.

Máy thanh toán tiền tại một số bệnh viện (Ảnh: Thu Hà)

Tóm lại là, đi khám ở Đài Loan rất thuận tiện và dễ hiểu. Trước đây rất nhiều người nước ngoài đến Đài Loan chỉ để khám chữa bệnh rồi về, nhưng hiện tại để có thể làm thẻ bảo hiểm y tế, người nước ngoài cần sống ở Đài Loan trên 6 tháng. Đây cũng là điểm bất tiện cho các bạn học sinh, hay người lao động thực sự có ý định ở Đài Loan 1 thời gian phải không?!

Mời các bạn lót dép ngồi hóng, đợi mẹ con chị Thu Hà cùng trải nghiệm rồi hầu chuyện mọi người tiếp ở hai bài sau:
– Bài 2 : Review trung tâm chăm sóc hậu sản.
– Bài 3 : Chế độ nghỉ đẻ,bảo hiểm, lương cho phụ nữ nghỉ đẻ khi đi làm ở Đài Loan
Nếu bạn có mong muốn follow trực tiếp tác giả hoặc có thêm các thắc mắc, đừng quên kết bạn hoặc liên hệ với chị Thu Hà qua Facebook tại đây.

Bài viết được Tôi ở Đài Loan biên tập lại.
Ảnh: HELLO KITTY HOSPITAL, PHOTOGRAPH BY WALLY SANTANA/AP

0 bình luận
0

Có thể bạn bỏ lỡ

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Dữ liệu của bạn là an toàn và bảo mật. Chọn "Chấp nhận" để tiếp tục Chấp nhận Tìm hiểu thêm

error: Nội dung bài viết được bảo vệ. Vui lòng liên hệ xinchao@toiodailoan.com để biết thêm chi tiết. Cảm ơn bạn